Ý tưởng này đã được sự ủng hộ của chính quyền Pháp và Việt Nam, sự giúp đỡ của những người bạn Pháp Việt đã có cùng quan điểm về sự phát triển bản sắc văn hóa Việt và đưa văn hoá Việt ra với thế giới.
Một trong những người bạn ấy chính là nhà thiết kế Minh Hạnh. Lần này, Minh Hạnh đã mời hai người dân tộc thiểu số là chị Vàng Thị Mai người dân tộc Mông tại Lùng Tám, Hà Giang và chị Hồ Thị Hợp người Tà Ôi, Alưới Huế cùng đến Pháp với những khung dệt thô sơ và một bộ sưu tập Haute Couture trên nền vải của hai dân tộc này.
Không gian của Bảo tàng Albert Kahn đẹp như một bức tranh của Monet, sự lãng mạn và yên tĩnh với những chú cá Koi rất lớn trong khu vườn Nhật và những bông hoa hồng ngát hương thơm trong khu vườn Pháp. Một không gian lý tưởng và tuyệt mỹ dành cho bộ sưu tập Hơi thở từ núi rừng Việt Nam (Breathing through the mountain forest of Vietnam).
Tham dự chương trình có nhiều chính khách Việt Nam và Pháp hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, du lịch và ngoại giao như ông Nguyễn Ngọc Sơn, Đại sứ Việt Nam tại Pháp. Ông Kutniat Stephane, Giám đốc Văn hóa vùng Hauts De Seine. Các doanh nhân Pháp Việt và giới thượng lưu, hoàng tộc một số vùng có mặt tại Pháp.
Nhà thiết kế Minh Hạnh cho biết, thông điệp dành cho sự kiện này chính là Di sản đang nằm sâu trong rừng núi của Việt Nam, chúng ta cần khám phá bằng hơi thở của thời đại. Không còn những khoảng cách giữa Đông và Tây, giữa truyền thống và hiện đại, chỉ còn lại điều quan trọng nhất là hơi thở thời đại đủ mạnh để tạo ra những phong cách sống mang giá trị bền vững. Nhà thiết kế mong muốn thể hiện rõ nét một Việt Nam của ngày hôm nay.
Với quan điểm này, show diễn đã tạo ra một hiệu ứng đặc biệt dành cho bản sắc Việt. Nhiều lời ngợi khen và yêu mến trân trọng đặt tên nhà thiết kế Minh Hạnh là Coco Chanel Việt Nam vì chất liệu vải và kỹ thuật tuyệt mỹ, nhưng quan trọng là tạo ra được dấu ấn khó quên về Việt Nam.
Buổi biểu diễn thành công với sự phấn khích của các người mẫu Pháp - Việt vì sự độc đáo và mới lạ mang tinh thần của một sự kiện văn hóa.
Thưc tế đêm diễn càng khẳng định quan điểm văn hóa là cánh cửa mở ra mọi cánh cửa, nhất là tại đất nước mà người dân luôn luôn tự hào về một nền văn hóa lớn như nước Pháp.
Rồi đây khi ngôi nhà Việt Nam tại Paris đươc xây dựng với hàng trăm tấn phụ kiện đươc chuyển từ Việt Nam sang sẽ có một không gian mang bản sắc Việt, sẽ là nơi hội tụ, trao đổi văn hoá, sản phẩm du lịch, kết nối bạn bè không chỉ Việt Pháp mà cả châu Âu. Đó chính là nguyện vọng của bà Anoa - đại sứ Du lịch Việt Nam tại Pháp nhiệm kỳ 2015 -2018.